Tưởng chừng lên lớp 1 là đơn giản nhưng ngày nay lại trở nên phức tạp, không ít phụ huynh và học sinh bị stress khi chuẩn bị lên lớp 1, bởi chương trình học khác hoàn toàn với môi trường mầm non. Các
CHUẨN BỊ TÂM LÝ CHO CON, TRƯỚC KHI VÀO LỚP 1:
Ngày xưa, thời chúng ta. Bắt đầu chính thức bước vào lớp 1 mới được học bảng chữ cái, tập đánh vần từng từ, tập tô từng chữ. Sau đó, mới tập đọc từng câu và tập viết. Nhưng theo chương trình hiện nay, cô nhận thấy rằng nếu không cho con tập đọc chữ, tập viết trước khi nhập học lớp 1 thì sẽ rất khó khăn và áp lực cho con, cho ba mẹ và cho cả cô giáo. Vì khi vào lớp 1, hầu hết các bé đều đã biết viết, biết đọc, do nhiều ba mẹ đã có sự chuẩn bị cho con học trước đó. Và một điều nữa, khi bước vào lớp một, việc thay đổi môi trường, thay đổi nếp lớp, làm quen lại trường mới, cô giáo mới, bạn mới, cách sinh hoạt và rồi tập đọc, tập viết, tập làm toán…nên ít nhiều con cũng sẽ áp lực. Đó là đối với Tiếng Việt.
ĐẦU TƯ TIẾNG ANH TỪ SỚM ĐỂ CON KHÔNG BỠ NGỠ VÀ ÁP LỰC KHI VÀO LỚP 1:
Còn tiếng Anh thì sao? Hiện tại, ở khối cấp 1, các con cũng đã được học theo chương trình tăng cường Tiếng Anh, và chương trình tích hợp. Tuy nhiên, cho dù chương trình có hay đến mấy, giáo viên có giỏi đến đâu thì với số lượng học sinh từ 30-40 bé/lớp, mỗi tiết học cũng chỉ có 45 phút, trình độ lại không đồng đều nhau (vì có thể, có nhiều ba mẹ đã đầu tư cho con học thêm tiếng Anh từ 3-6 tuổi), thì thật khó cho bé để tiếp thu hết được những gì giáo viên dạy, chứ chưa nói đến việc bé phải nhớ và áp dụng được các từ và các mẫu câu được học.
Vì thế, ba mẹ đừng lơ là với việc học tiếng Anh cho bé. Vì nếu chúng ta lơ là đi, chỉ trong một năm thôi, con sẽ cảm thấy đuối, cảm thấy áp lực với môn Tiếng Anh và chán ghét, lúc đó chúng ta muốn cứu vãn cũng không còn dễ dàng nữa rồi. Và nếu cứ thế, để kéo dài đến năm lớp 2 con sẽ phải đối diện với những điểm ngữ pháp và cấu trúc câu khó hơn, đặc biệt là con phải viết câu ngắn bằng tiếng Anh, đây là một thử thách với con. Vì theo cô nhận thấy hầu hết các con học xong lớp 1 thậm chí vẫn chưa nhớ được mặt chữ và viết đúng spelling của một từ vựng đơn giản.
Do đó, ở giai đoạn chuyển giao gồ ghề này ba mẹ hãy chịu khó đồng hành cùng con, hãy kiên nhẫn và khuyến khích con. Vì đối với tiếng Việt, ngay cả với bảng chữ cái con cũng mất một khoảng thời gian nhất định mới có thể nhớ và ráp vần được. Với tiếng Anh cũng thế, không thể sau một buổi học là con có thể nhớ được ngay, nhanh lắm thì 1-2 tuần, chậm thì 1 tháng. Rồi từ đó, con học thêm từ mới, mẫu câu đơn giản…nếu ba mẹ tìm được môi trường học GV sử dụng 100% tiếng Anh trong lớp và có trợ giảng đi cùng, thì sẽ là lợi thế cho con. Vì việc sử dụng 100% Tiếng Anh trong lớp để giảng bài, để tập con nghe những câu hiệu lệnh như: Open your book, close your book, stand up, sit down, go to the board…., cách chào, cách hỏi và giới thiệu tên tuổi… sẽ giúp con nghe hiểu Tiếng Anh và trả lời Tiếng Anh, lâu dần sẽ giúp con hình thành phản xạ khi giao tiếp chứ không đợi dịch ra từng tiếng trong đầu rồi mới trả lời.
CHỌN ĐÚNG MÔI TRƯỜNG ĐỂ ĐẦU TƯ TIẾNG ANH CHO CON:
Bên cạnh đó, việc chọn môi trường học cho con cũng rất quan trọng. Hãy chọn môi trường lớp học với sỉ số giới hạn ( từ 15 bé trở lại), nhưng cũng đừng nên cho con học kèm, nếu muốn con vừa được tương tác giao tiếp với giáo viên, với bạn cùng lớp, vừa không bị mất đi động lực học tiếng Anh thì đừng cô lập con mình với việc chỉ cho con học một mình với một giáo viên tại nhà, hay nhét con vào một lớp quá đông- chắc chắn nơi đó con sẽ không có cơ hội tương tác và loay hoay suốt buổi học nhưng chẳng có được một lần mở miệng nói câu tiếng Anh nào.
Điều cuối cùng, hãy là một người ba mẹ thông thái, thấu hiểu và truyền cảm hứng cho con. Và hãy luôn đồng hành cùng con để vượt qua giai đoạn “gồ ghề” này nhé. Đừng áp lực con và đừng luôn hỏi con hôm nay con học cái gì? Bài gì? Chữ gì? Hoặc về nhà hỏi con nhiều từ nhiều câu nằm ngoài kiến thức con được học, hay là hỏi con trong lúc con mãi tập trung vào việc khác nên con sẽ không chịu nói. Nếu con chưa định hình được, chưa biết trả lời hoặc không trả lời được, ba mẹ lại cuống cuồng. Hãy nên hỏi con, hôm nay con học có vui không? Con có làm quen bạn mới không? Bạn tên gì, thầy cô tên gì?.. nếu có hỏi về bài học nên hỏi với tâm thế nhẹ nhàng và khéo léo tự động con sẽ kể mẹ nghe, nếu con tâm sự con gặp khó khăn gì thì ba mẹ sẽ trao đổi với giáo viên để kết hợp giúp con. Vì giữa nhà trường, cô giáo và ba mẹ có một sự kết hợp nhịp nhàng chắn chắn sẽ giúp con học tốt không chỉ có môn tiếng Anh mà cả những môn học khác.